Hướng Dẫn Chi Tiết Viếng Chùa Có Vườn Kinh Bằng Đá Ở Vĩnh Long

Chùa Phước Hậu

Thông tin liên hệ và đường đi

Địa chỉ: DT904, Quốc Lộ 54, Ngãi Tứ, Tam Bình, Vĩnh Long.

Lưu ý khi viếng Chùa: Quý khách lưu ý khi viếng chùa mặc trang phục trang nghiêm, không quá ngắn.

Đặc biệt chùa nghỉ trưa từ 11h00 – 13h30. Nên quý khách đến tham quan thời gian này sẽ không được tiếp đón.

 

Quý khách có thể đi từ Vĩnh Long đến gần Chợ Đầu Mối Trà Ôn sẽ thấy Chùa Phước Hậu tuy nhiên quý khách đi từ Cần Thơ sẽ gần hơn Vĩnh Long.

Chùa Phước Hậu - Ngôi chùa có vườn kinh bằng đá độc đáo ở Vĩnh Long

 Khởi nguyên, chùa Phước Hậu chỉ là một chiếc am tranh. Thỉnh thoảng, có một vài thiền sư vãng du đến rồi đi. Mãi đến năm 1894, ông Hương cả làng Đông Hậu là Lê Văn Gồng vốn lòng mộ đạo, vận động thiện nam tín nữ trong làng xây dựng một ngôi chùa sườn gỗ, mái ngói âm dương, vách ván, nền gạch. Ngôi chùa này là một dạng chùa làng, nên được đặt tên là chùa Đông Hậu. Đến năm 1910, ông Hương cả Lê Văn Gồng mất, con gái ông là bà Lê Thị Huỳnh và Phật tử địa phương đã thỉnh Hoà thượng Hoằng Chỉnh ở chùa Thiên Ấn (Quảng Ngãi) vào trụ trì. Hoà thượng Hoằng Chỉnh đã đổi hiệu chùa Đông Hậu thành Phước Hậu cho thích hợp hơn. Hòa thượng Hoằng Chỉnh là một cao tăng nên hoằng dương một thời gian thì thiền môn vào quy củ, tăng ni tín đồ đến quy y thọ giới mỗi ngày một đông.

Chùa Phước Hậu

Năm 1939, Hoà thượng Hoằng Chỉnh viên tịch nên đến năm 1942, bổn đạo thỉnh Hòa thượng Khánh Anh từ chùa Long An (Đồng Đế – Trà Ôn) về trụ trì chùa Phước Hậu. Hòa thượng Khánh Anh quê tại Quảng Ngãi, vào Nam hành đạo từ mấy mươi năm trước. Ngài là một cao tăng có nhiều đệ tử tài đức.

 Năm 1961, do thời gian, chùa Phước Hậu bị xuống cấp. Lúc bấy giờ, Hoà thượng Khánh Anh đang làm Thượng thủ Giáo hội Tăng già toàn quốc. Hoà thượng chuẩn bị trùng tu chùa Phước Hậu thì viên tịch.

Chùa Phước Hậu - Ngôi chùa có vườn kinh bằng đá độc đáo ở Vĩnh Long

Hòa thượng Thiện Hoa kế thế trụ trì chùa Phước Hậu và bắt đầu xây dựng lại ngôi chùa. Tuy danh nghĩa là trụ trì, nhưng Hoà thượng Thiện Hoa là Viện phó, rồi Viện trưởng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất nên phải giao chùa Phước Hậu cho Hòa thượng Thích Hoàn Phú xây dựng tháp Đa Bảo thờ xá lợi đức Phật Thích Ca và các vị tổ sư tiền bối hữu công. Ngoài ra, Thượng tọa Hoàn Phú còn xây dựng nhiều công trình xung quanh chùa Phước Hậu.

Chùa Phước Hậu hiện nay gồm nhiều công trình : chính điện, trung điện, hậu tổ, tàng kinh các, hệ thống bảo tháp… Trừ chính điện là công trình xây năm 1962, bằng vật liệu hiện đại như bê-tông, xi-măng, gạch ngói, gỗ… theo mô hình kiến trúc kết hợp Đông phương và Tây phương. Còn các công trình khác là các bộ phận của ngôi chùa cũ, có từ năm 1894, tất nhiên có sửa chữa bồi bổ.

Chùa Phước Hậu - Ngôi chùa có vườn kinh bằng đá độc đáo ở Vĩnh Long

Chính điện chùa Phước Hậu hình chữ “sơn”, nhìn xuống dòng sông Ba Sác (một nhánh của sông Hậu). Mặt tiền chùa xây theo kiểu cổ lầu, giữa trang trí mô hình ngôi tháp bảy tầng cao chót vót. NộI điện rộng rãi trang trí đơn giản, nền lót gạch bông, lại có nhiều cửa ra vào nên trông trống trảI. Bàn thờ giữa trang trí tượng đức Phật Thích Ca dạng đang tọa thiền dưới gốc bồ đề. Tầng dưới là tượng Thái tử Tất Đạt Đa sơ sinh và bộ tượng Tây Phương Tam Thánh : Di Đà, Quan Âm và Thế Chí. Ưu thế của mô hình này là cùng lúc có thể chứa hàng trăm người hành lễ, hai bên tả hữu ban có hai bàn thờ, đa số là tượng của chùa Đông Hậu cũ còn để lại như tượng Tiêu Diện Đại Sĩ, Hộ pháp Di Đà, Địa Tạng, Chuẩn Đề và “Thập lục La Hán”, bằng gỗ hoặc bằng gốm Cây Mai (Chợ Lớn).

Chùa Phước Hậu được xây dựng theo mô hình hiện đại, nhưng lại là ngôi chùa có rất nhiều câu đối. NộI dung các câu đối này đều ca tụng đức Phật và các vị Bồ Tát, ca tụng địa phương theo quan niệm “địa linh nhân kiệt”, ca tụng đức độ của các vị tổ sư tiền bối hoặc lòng hảo tâm chùa các tín đồ mộ đạo.

Độc đáo ngôi chùa với vườn kinh được khắc trên 213 phiến đá

Một câu đối ca tụng lòng từ bi của đức Phật Di Đà như sau :

 “Như thị ngã văn, cảm ứng tùy tâm, thành tắc hữu

Nhĩ thời Phật thuyết, viên thông nhập đạo diệu ư vô”.

(Ta từng nghe rằng, cảm ứng tùy tâm, thành ắt có

Bấy giờ Phật thuyết, viên thông nhập đạo, diệu mà không).

Một câu đối ý nghĩa thâm trầm :

Phật cảnh u huyền, như vân quải sơn đầu, hành đáo sơn đầu, vân cánh viên

Thiền cơ hạo đảng, tự nguyệt phù thủy diện, bác khai thủy diện, nguyệt hoàn thâm.

(Cảnh vật u huyền, như đám mây treo đỉnh núi nhưng người leo đến đỉnh núi thì mây lại xa

Mái thiền rộng lớn, giống bóng trăng trên mặt nước, nhưng khi khuấy động mặt nước thì trăng càng sâu).

Chùa Phước Hậu

Một câu đối mang nội dung tiến bộ :

Phước địa kiến pháp trường, đảo đảo thần quyền trừ ủy mị

Hậu cơ huy Phật nhật, thủ tiêu ma chương diệt tà mê.

(Phước địa dựng pháp trường, đảo đảo thần quyền trừ ủy mị

Hậu cơ soi Phật nhật, thủ tiêu ma chương diệt tà mê).

Phước Hậu cổ tự là tổ đình Phật giáo dòng Lâm Tế (Chúc Thánh). Dòng Phật giáo này từ Hội An vào Quảng Ngãi rồi vào Trà Ôn. So với các thiền phái khác thì thiền phái Lâm Tế chi nhánh Chúc Thánh đến Vĩnh Long khá muộn, nhưng dòng thiền này đào tạo rất nhiều tăng ni tài đức trong giai đoạn chấn hưng và giai đoạn thống nhất Phật giáo. Riêng trong giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc, chùa Phước Hậu là nơi nuôi chứa cán bộ cách mạng ngay trong lúc khó khăn nguy hiểm nhất. Nhiều tu sĩ tu học ở chùa, đã tuân lời dạy dỗ của các vị Hòa thượng nghe theo lời kêu gọi của Tổ quốc, đã “cởi áo cà sa, khoác áo chiến bào” và có vị hy sinh trên chiến trường, đến ngày hòa bình không trở về ngôi chùa cũ.

Tổ đình Phước Hậu – Tam Bình, Vĩnh Long | Phật giáo Việt Nam

Chùa Phước Hậu, ở ấp Đông Hậu, xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình (ngang thị trấn Trà Ôn ngày nay) đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích lịch sử cách mạng ngày 25 tháng 01 năm 1994 (Quyết Định số 152 QĐ ngày 25/1/1994).

Nguyễn Nguyên

Nguồn: Sách Di tích lịch sử – văn hóa tỉnh Vĩnh Long

 

Bài viết liên quan